Doanh Nghiệp Nội Dần Làm Chủ Cuộc Chơi M&A
Chuyên gia đánh giá, dù khối ngoại vẫn có sự ảnh hưởng lớn, các doanh nghiệp Việt cũng bắt đầu có sự vươn lên trong hoạt động M&A.
Một trong những đặc điểm nổi bật của thị trường mua bán sáp nhập (M&A) thời gian gần đây là sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp nội địa. "Có thời gian chúng ta từng lo doanh nghiệp nước ngoài thôn tính doanh nghiệp trong nước, và đặt ra suy nghĩ là có cần chính sách hạn chế hay không, thì nay đã không còn nghi ngại", ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nói tại hội thảo về M&A mới đây.
Nếu năm 2018, bên mua là doanh nghiệp Việt chỉ chiếm 18%, đến 2019-2020, con số này đã là 30%, cho thấy sự trỗi dậy của các doanh nghiệp trong nước. Và con số này tiếp tục tăng cho đến nay. Còn xét về địa bàn diễn ra hoạt động này, hiện có 70% ở Việt Nam, 30% ở lãnh thổ bên ngoài. "Điều này cho thấy sự vươn lên của doanh nghiệp Việt rất quan trọng", ông Hiếu nói.
Mặt khác, trong thời kỳ dịch bệnh, ông Hiếu cho biết, thị trường M&A cũng chứng kiến sự hợp tác liên kết hình thành chuỗi, thay vì chỉ mang tính chất thôn tính. Theo đó, chỉ 11% thương vụ trong giai đoạn 2019-2021 là sáp nhập, tức triệt tiêu một bên, 80% là mua cổ phần chiếm tỷ lệ đa số để kiểm soát, còn lại là liên doanh.
Với ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Dragon Capital Vietnam, đại dịch đã thúc đẩy 2 xu hướng lớn là chuyển đổi số, số hóa và tập trung kinh tế. Bởi trong khủng hoảng, có người sẽ gặp khó khăn, còn có người sẽ nhìn thấy đây là cơ hội. Ông cho biết, trong 18 tháng vừa qua, Dragon Capital đã thực hiện được nhiều thương vụ hơn các năm trước. "Chúng tôi có hơn 10 thương vụ với vai trò là bên bán cổ phần hơn 10% cho các đối tác", ông nói.
Nguyên nhân theo ông là thị trường đã có sự thay đổi. Nếu như trước đây, các thương vụ được nhìn nhận là phải lớn, là công ty tốt, phải bán phần lớn, với mức giá cao hơn thị trường (premium price – giá có bù) 50%, thì nay chỉ cần ở mức 20-30% là bên mua đã muốn mua ngay.
"Lý do là tinh thần khởi nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam rất cao, họ thấy đại dịch là cơ hội lớn để mua", ông nói và cho biết, vì đã quan sát nhiều năm, nên bên mua chốt thương vụ rất nhanh, thậm chí có thương vụ giao dịch được chốt qua online.
Ông cũng cho rằng xu hướng này sẽ tiếp tục trong vài năm tới vì tư tưởng của người tham gia đã thay đổi. M&A không chỉ giữa doanh nghiệp Việt với nhau, nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt, mà còn có cả xu hướng doanh nghiệp Việt mua lại doanh nghiệp nước ngoài, cho thấy sự lớn mạnh của doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, tại hội thảo, các chuyên gia cũng đưa ra dự đoán về các phân khúc, ngành nghề thu hút hoạt động M&A trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc Công ty KPMG Việt Nam thông tin, có 4 nhóm nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan rất quan tâm tới thị trường M&A Việt Nam. Về ngành nghề, ông nhìn nhận, ngoài bất động sản tiếp tục thu hút giới đầu tư, còn có thị trường tài chính, ngân hàng và giáo dục.
Ông Lê Khánh Lâm, Chủ tịch Công ty RSM Việt Nam bổ sung thêm, nhóm ngành viễn thông, dược, năng lượng xanh cũng sẽ hấp dẫn trên thị trường M&A. Ông cũng nhấn mạnh, Việt Nam là một trong ba nước, bên cạnh Mỹ, Trung Quốc có chỉ số thu hút M&A cao. Do vậy, ông Lâm lưu ý, doanh nghiệp cần minh bạch cả về tài chính, thông tin và hướng đến sự chuyên nghiệp để có sự chuẩn bị trong bối cảnh thị trường M&A tiếp tục tăng tốc.