M&A Bất Động Sản Tăng Nhiệt Với Dòng Vốn Ngoại

Sự quan tâm ngày càng lớn của các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài đang góp phần tạo nên sự sôi động của hoạt động M&A trong ngành bất động sản.

Bất chấp nhiều trở ngại khách quan, bất động sản vẫn thuộc top nhóm ngành thu hút nhiều vốn FDI nhất trong năm 2022 và được dự báo là điểm nóng M&A trong năm 2023.

Theo báo cáo của KPMG công bố mới đây, bất động sản cùng với một số nhóm ngành nổi bật như tiêu dùng, công nghiệp, năng lượng - tiện ích công cộng tiếp tục dẫn đầu về hút dòng vốn FDI với hơn 80% tổng giá trị trong 10 tháng đầu năm 2022.

Loạt thương vụ đình đám giữa lúc thị trường “sóng gió”

Báo cáo này chỉ ra động lực chính đưa bất động sản trở thành mục tiêu tìm kiếm hàng đầu của các nhà đầu tư đến từ sự gia tăng liên tục về nhu cầu thuê văn phòng và bất động sản công nghiệp. Cùng với đó, sự phục hồi niềm tin và chi tiêu của người tiêu dùng được thúc đẩy bởi dân số đông, tầng lớp trung lưu tăng và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng cũng là động lực mạnh mẽ cho lĩnh vực này. 

Nhìn thấy tiềm năng đó, nhiều tổ chức quốc tế đã mạnh tay rót vốn vào các dự án bất động sản thông qua hình thức M&A, tiêu biểu là thương vụ một chủ đầu tư ngoại đã mua lại tòa nhà văn phòng Capital Place từ CapitaLand Investment Ltd. với giá trị lên đến 523,4 triệu USD. Cùng với đó, nhóm quỹ đầu tư do Warburg Pincus LLC dẫn đầu đã rót 250 triệu USD vào khu nghỉ dưỡng Tropicana của NovaLand.

Vào tháng 8 vừa qua, tập đoàn Tokyu Corporation cũng đã có thỏa thuận hợp tác phát triển một khu nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu với tập đoàn Danh Khôi, nhà đầu tư đến từ Nhật Bản góp vốn 49%, tương đương 490 tỷ đồng. Một gương mặt khối ngoại thân quen khác của thị trường bất động sản là Gamuda Land, cũng đã đặt dấu ấn trong năm nay với thương vụ mua lại dự án Artisan Park tại Thành phố mới Bình Dương từ TDC. Thương vụ này có giá trị lên đến 54 triệu USD, nằm trong Top 10 thương vụ M&A tiêu biểu nhất năm 2022. 

Được biết, doanh nghiệp bất động sản danh tiếng Malaysia cững vừa sáp nhập một công ty nội địa để qua đó sở hữu dự án khu phức hợp căn hộ cao tầng rất tiềm năng tại TP Thủ Đức, TP.HCM. Dự án này có tổng diện tích khoảng 3 ha, quy hoạch 1.300 căn hộ có tổng giá trị phát triển (GDV) ước tính lên đến trên 250 triệu USD. Như vậy, Gamuda Land đã chi mạnh để thực hiện thành công đến 2 thương vụ M&A chỉ trong vòng một năm.

Với nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn, đặc biệt là các chủ đầu tư ngoại, M&A được xem là một trong những chiến lược quan trọng nhất để mở rộng quy mô kinh doanh thông qua việc thâu tóm quỹ đất, hoặc liên doanh phát triển các dự án quy mô đã được phê duyệt.

Triển vọng M&A 2023

Chia sẻ trên góc độ của nhà đầu tư đã tham gia thị trường bất động sản Việt Nam từ giai đoạn khó khăn nhất vào 2008-2012, bà Khanh Nguyễn - Giám đốc Khối Phát triển kinh doanh Gamuda Land cho biết, tập đoàn này luôn xem Việt Nam là thị trường tiềm năng và tầm nhìn này đến nay vẫn được giữ vững.

“Thời điểm đó, những khu vực mà chúng tôi chọn phát triển dự án rất nghèo tiềm năng, nhưng chúng tôi đã chứng minh được là mình thành công với chiến lược “biến không thành có” táo bạo này. Trong giai đoạn hiện nay, dù đang tồn tại rất nhiều khó khăn thách thức, chúng tôi vẫn cam kết tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam. Những giai đoạn gian nan nhất của thị trường trước đây Gamuda Land đều đã vượt qua, thì không lý nào bây giờ với nhiều nguồn lực và bề dày kinh nghiệm hơn chúng tôi lại rời đi” bà Khanh Nguyễn chia sẻ tại một hội thảo về M&A mới đâ

Trong cuộc khảo sát gần đây của KPMG với khách hàng là các quỹ đầu tư tư nhân, tâm lý đối với các hoạt động M&A dường như bị chia rẽ giữa “giữ nguyên” và “gia tăng” giao dịch hơn vào năm 2023. Điều thúc đẩy những đơn vị được hỏi chọn “gia tăng” (nhiều giao dịch hơn) là họ nhìn thấy cơ hội giá giảm. Thị trường hiện tại đang đưa ra mức định giá hấp dẫn hơn nhiều so với năm 2021 và đầu năm 2022. Điều này được phản ánh qua kỳ vọng rằng bội số định giá sẽ tiếp tục giảm vào năm 2023. Đây sẽ là môi trường thuận lợi để các định chế đầu tư chọn đúng công ty có hoạt động hiệu quả hoặc các công ty có mục tiêu phù hợp để mua lại. 

“Trên cơ sở lạm phát và lãi suất cuối cùng cũng sẽ điều chỉnh giảm hợp lí, và do đó khôi phục niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng, chúng tôi kỳ vọng hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ phục hồi bắt đầu từ nửa cuối năm sau”, KPMG nhận định.

Khối ngoại thúc đẩy tìm dự án tiềm năng

Sự quan tâm ngày càng lớn của các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài đã và đang góp phần tạo nên sự sôi động của hoạt động M&A trong ngành bất động sản, từ đó mang lại những tác động tích cực, hứa hẹn cho sự phục hồi của thị trường bất động sản trong năm sau.

Điều này được củng cố bởi những tín hiệu lạc quan đã được xác nhận từ các “tay chơi” khối ngoại có thâm niên trên thị trường. Ông Angus Liew – Chủ tịch HĐTV Gamuda Land Việt Nam trong một lần trao đổi với báo chí đã từng chia sẻ rằng: “Các thương vụ M&A là một phần trong kế hoạch tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh của Gamuda Land tại Việt Nam. Chúng tôi nhận định Việt Nam là thị trường giàu tiềm năng với vô số cơ hội, một đất nước đang lên có triển vọng kinh tế tốt, với dòng vốn FDI ổn định và rất nhiều việc làm mới được tạo ra hằng năm.”

Lãnh đạo Gamuda Land Việt Nam đánh giá những yếu tố này là tiền đề vững chắc thúc đẩy sự gia tăng thu nhập cho phần đông dân số, mở ra muôn vàn cơ hội cho các chủ đầu tư có tiềm lực thực thụ. Ông cho biết thêm, tổng công ty tại Malaysia đã thông qua chủ trương tích cực tìm kiếm các cơ hội mới tại Việt Nam bằng nhiều cách thức, bao gồm mua bán sáp nhập, chuyển nhượng và đấu thầu. Trọng tâm của chiến lược này là nhanh chóng mở rộng danh mục đầu tư và đa dạng hóa các loại hình sản phẩm như khu phức hợp cao tầng, nhà phố thương mại tại các khu vực giàu tiềm năng giáp ranh với TP.HCM.

 

Liên hệ chúng tôi ngay để biết được nhiều thông tin hữu ích

Công ty Cổ Phần Đầu Tư Phát Đạt Holdings
Trụ sở : 37 Nguyễn Trung Trực, Phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM
Chi nhánh 1: 42 Trần Hưng Đạo, Phường Tân Sơn Nhì, Quận Tân Phú, TP.HCM
Chi nhánh 2: 150 Đường D, KĐT Lakeview City, Phường An Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM
Email : phatdatholdings@gmail.com
Hotline : 090 334 9989

.