Thị Trường Vốn Dồn Dập Đón Sóng M&A
Ngay những tháng đầu năm 2022, thị trường đã chứng kiến hàng loạt các thương vụ mua bán sáp nhập M&A quy mô lớn.
Chẳng hạn Tập đoàn Masan chi ra 110 triệu USD để mua thêm 31% cổ phần của Trà sữa Phúc Long. Sau giao dịch, Masan sẽ trở thành công ty mẹ của Phúc Long, từ đó thuận tiện hơn trong việc đầu tư mở rộng chuỗi đồ uống và thực phẩm dùng nhanh và tích hợp vào chuỗi Winmart theo mô hình “Point of Life” - nơi phục vụ các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu trên một nền tảng tích hợp xuyên suốt từ offline đến online.
Trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng cũng chứng kiến thương vụ trị giá 212,5 triệu USD do Tập đoàn Hibiscus Petroleum chi ra để mua lại dự án khai khác dầu khí của Repsol tại Việt Nam và Malaysia. AC Energy (ACEN), công ty con thuộc Tập đoàn Ayala (Philippines) cũng bỏ 165 triệu USD để mua 49% cổ phần của Solar NT - đơn vị đang sở hữu và vận hành 9 nhà máy điện mặt trời tại thị trường Việt Nam.
Trên lĩnh vực bất động sản, nhà đầu tư Singapore Keppel Land ký một thỏa thuận với Công ty cổ phần địa ốc Phú Long để mua 49% cổ phần trong 3 khu đất tại khu đô thị Bắc An Khánh – Mailand Hanoi City (tên cũ là Splendora) với tổng giá trị 2.715 tỷ đồng. Hay tại TP.HCM, nhà đầu tư mới nổi Masterises Group thâu tóm dự án Sài Gòn Bình An 117 ha có vị trí đắc địa tại TP. Thủ Đức và đổi tên thành The Global City.
Chuỗi bán lẻ Con Cưng nhận 90 triệu USD đầu tư từ quỹ Quadria Capital, nguồn vốn mới này dự định mở rộng quy mô và mạng lưới cửa hàng tại thị trường Việt Nam, đặt mục tiêu khai trương 2.000 siêu thị mẹ và bé từ nay đến năm 2025. Đồng thời, khoản đầu tư cũng được dùng vào hạng mục phát triển ứng dụng chuyên cung cấp sản phẩm và dịch vụ cá nhân hóa tất cả trong một (all-in-one), dựa trên nhu cầu khách hàng.
Sóng M&A còn nhộn nhịp ngay đầu năm với các thương vụ tiềm năng trong lĩnh vực ngân hàng, khi mà các ngân hàng vẫn cần bổ sung một nguồn vốn lớn để đảm bảo hệ số an toàn vốn, phục vụ cho nhu cầu vay vốn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thời hậu giãn cách xã hội. Các lĩnh vực đáng chú ý khác còn là trường học, khởi nghiệp công nghệ... đều hứa hẹn cho một năm bận rộn cho các công ty luật, tư vấn và thẩm định giá.
Sự khởi sắc của dòng vốn thâu tóm tài sản phần nào giải tỏa hoài nghi của giới đầu tư về dòng tiền dồi dào khi chứng kiến mặt bằng lãi suất có dấu hiệu tăng trở lại. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn thu hút dòng vốn trong khu vực.
Có được điều đó một phần cũng nhờ Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng tích cực trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và dự kiến sẽ tiếp tục tăng tốc trong năm 2022. Mặc dù mục tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ đưa ra mức 6-6,5% trong năm nay, tuy nhiên Tổ chức tài chính DBS Group Research dự báo tăng trưởng GDP sẽ đạt 8% năm 2022, một phần đến từ nhu cầu tăng trưởng nhờ thúc đẩy chính sách tiền tệ phù hợp.
Niềm tin còn đến từ gói kích thích kinh tế cực lớn mới được triển khai và các dự án đầu tư công sẽ thúc đẩy tăng trưởng bền vững. “Với dân số trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, dòng vốn đầu tư nước ngoài ổn định, xuất khẩu ngày càng tăng và nền kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam có vị trí thuận lợi để tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong những năm sau đó. Trước mắt, năm 2022, tăng trưởng GDP có thể đạt từ 7% trở lên”, ông Richard Kao - Giám đốc đầu tư của Quỹ Jih Sun nhận định.
Hơn thế, năm 2022 có thể chứng kiến các thương vụ dồn nén không thể triển khai trong hai năm qua khởi động trở lại. Các lĩnh vực được giới đầu tư quan tâm nhiều nhất là bất động sản, kho bãi - hậu cần, bán lẻ tiêu dùng. Danh mục tiềm năng còn có thương mại điện tử, công nghệ tài chính, ô tô, bảo hiểm. Các ngành mới hấp dẫn được dự báo còn có năng lượng tái tạo, dược phẩm, viễn thông và cơ sở hạ tầng… đều hứa hẹn một năm nhiều thuận lợi trong kinh doanh.